Phần 1: Kiến thức cơ bản về các thông số của đồng hồ vạn năng

Đồng hồ vạn năng là một thiết bị điện tử chuyên dụng khi bạn học nghề điện tử và điện lạnh hay các nghề kỹ thuật khác, được sử dụng để đo và kiểm tra các thông số điện học cơ bản như điện áp, dòng điện, trở kháng, tần số và nhiệt độ.

Đồng hồ vạn năng có khả năng đo nhiều loại thông số khác nhau trong một thiết bị duy nhất, làm cho nó trở thành một công cụ quan trọng trong công việc của các kỹ sư, kỹ thuật viên và những người làm việc trong nghề điện tử, điện lạnh, và tự động hóa.

Chính vì tầm quan trọng của chúng nên kiến thức và cách sử dụng đồng hồ vạn năng bạn cần phải nắm rõ ngay từ bước đầu nhập môn. Hãy theo dõi bài viết sau của Trường dạy nghề Bách Khoa Hà Nội để hiểu rõ hơn về đồng hồ vạn năng nhé!

Hình ảnh đồng hồ vạn năng và các chức năng chính

1. Nút chỉnh kim ở vị trí 0

Khi đặt máy đo nằm yên trên bàn, kim phải chỉ ở ngay vạch số 0, nếu không, bạn phải dùng vít chỉnh thật nhẹ tay con ốc trên máy đo để đưa kim chỉ về vạch 0. Khi thử 2 lò xo của khung quay máy đo VOM, đặt máy đo nằm nghiêng, lắc nhẹ, kim sau một vài dao động phải về chỉ vạch 0: Kết luận máy đo tốt. Nếu kim bị "xệ" nó sẽ lệch ra khỏi vạch 0, như vậy 2 lò xo đã không cân.

2. Nút chỉnh mức 0 Ohm

Khi dùng VOM ở các thang đo Ohm, theo quy định khi chập cho 2 đầu kim chạm lại thì kim phải chỉ ngay vạch 0 Ohm, nếu không, điều chỉnh đưa kim chỉ về ngay vạch 0 OHM, điều này chỉ cần chỉnh một lần trên một thang đo, nghĩa là chỉ khi nào đổi qua các thang đo Ohm khác mới phải chỉnh lại kim về vạch 0 Ohm.

3. Đo volt AC có tụ cách ly DC

Khi đo điện áp xoay chiều, hay đo volt AC, nút xoay đặt ở các thang đo AC. Lúc này nếu dùng dây đo màu đỏ cắm ở lỗ OUTPUT, mức áp DC có trên các điểm đo sẽ bị cắt và bị cách ly không vào được máy đo, vì ở lỗ cắm OUTPUT có dùng tụ cách ly DC. Vì vậy, nên dùng lỗ cắm này chỉ khi muốn đo thành phần tín hiệu mà không muốn chịu ảnh hưởng của mức áp phân cực DC luôn có trên các điểm đo trong các mạch điện. Ghi nhớ: Khi đo volt AC dùng 2 lỗ cắm đen và đỏ thông thường, phép đo volt AC này sẽ bị sai nếu trên điểm đo có thành phần DC.

4. Đo dòng lớn 2.5A

Khi dùng máy đo để đo cường độ dòng điện lớn, trên 1 hay 2A, đặt nút xoay ở vị trí 2.5A và lúc này nhớ dây đo màu đỏ phải cắm ở lỗ 2.5A, vì khi đo dòng lớn, phải dùng điện trở shunt rất nhỏ Ohm và điện trở này phải hàn cố định trên 2 dây đo, không thể dùng tiếp điểm của nút xoay vì nó không đủ nhỏ Ohm nên sẽ làm hư điện kế khung. Ghi nhớ: Trong tất cả các máy đo VOM, khi đo cường độ dòng điện lớn, đều phải dùng lỗ cắm khác với 2 lỗ cắm thông thường.

5. Thang đo volt DC

Khi đo volt DC bạn đặt nút xoay trên các thang đo volt DC. Với các mức volt DC chưa biết, bạn nên khởi đầu ở các thang đo volt DC lớn, khi muốn xét dấu âm dương của mức áp DC bạn cũng nên dùng thang đo lớn, vì nếu để thang đo nhỏ, nếu đo ngược dấu sai cực, kim sẽ đập quá mạnh có thể làm cong kim. Với mạch điện có nguồn nuôi là 9V, bạn dùng thang đo 10V là hợp lý. Ghi nhớ: Lấy thang đo volt DC càng lớn, nội trở của máy đo sẽ càng lớn, như vậy phép đo volt ( vốn dùng cách mắc song song vào mạch đo ) sẽ chính xác hơn.

6. Thang đo volt AC

Khi bạn đo volt AC hãy đặt nút xoay trên các thang đo AC. Với các mức volt AC chưa biết, Bạn nên khởi đầu ở các thang đo volt AC lớn. Bạn nhớ kết quả đo volt AC chỉ chính xác khi: (1) Trên điểm đo không chứa thành phần phân cực DC, (2) Tín hiệu đo phải có dạng sin và ở tần số là 50Hz. Khi không thỏa 2 điều kiện này, phép đo volt AC của VOM sẽ không chính xác, chỉ mang tính định tính hơn là định lượng. bạn cũng nên nhớ người ta chia vạch volt AC theo mức áp hiệu dụng.

7. Thang đo Ohm và đo hệ số HFE

Đo Ohm là phép đo rất thường dùng. Khi đo Ohm bạn dùng nguồn pin 3V hay 12V có trong máy đo để bơm dòng qua vật đo và làm lệch kim. Bạn chỉ đo Ohm trên các vật đo không có điện, như khi đo Ohm các thiết bị điện tử, bạn phải tắt điện và phải nhớ các điều sau:

  • Điều 1: Dây đo màu đỏ nối vào cực âm của nguồn pin, nên dòng electron sẽ chảy ra trên dây đỏ. Dây đo màu đen sẽ nối vào cực dương của nguồn pin nên dòng điện tử sẽ bị hút vào trên dây đen.
  • Điều 2: Mỗi khi đổi thang đo Ohm, luôn nhớ cho chạm 2 đầu kim và chỉnh về vị trí 0 Ohm. Bạn lấy thang đo Ohm càng nhỏ dòng chảy ra trên dây đo càng lớn và ngược lại. Ở thang đo Rx1, dòng tối đa là 150mA, ở thang đo Rx10 dòng tối đa là 15mA, ở thang đo Rx100, dòng tối đa là 1.5mA.
  • Điều 3: Khi đo Ohm, với các vật đo tuyến tính như: điện trở, chiết áp, cuộn dây... Bạn đọc kết quả trên vạch chia Ohm. Với các vật đo phi tuyến tính như: diode, Led, transistor... Bạn đọc kết quả trên vạch chia LV để biết mức áp hiện có trên vật đo và vạch chia LI để biết cường độ dòng điện đang chảy qua vật đo.
  • Điều 4: Ở thang đo Rx10K, lúc này mức áp tối đa trên 2 dây đo là 12V (do pin 9V cộng với pin 3V) và ở các thang đo khác mức áp tối đa trên 2 dây đo là 3V.

8. Đo hệ số HFE

Với các transistor bipolar, loại transistor có 2 mối nối pn, như transistor pnp hay npn, tỷ số dòng Ic trên dòng IB gọi là hệ số khuếch đại dòng B hay Her. Muốn đo hệ số khuếch đại dòng của các transistor. Bạn phải: (1) Đặt ở thang đo Ohm Rx10, chạm kim chỉnh kim về 0 Ohm. (2) Cắm transistor npn hay php vào đúng loại và cắm đúng chân và đọc kết quả trên vạch chia HFE. Điều Bạn cần nhớ: Máy đo này chỉ dùng đo HF của các transistor công suất nhỏ.

9. Thang đo dòng

Khi Bạn muốn đo cường độ dòng điện, nút xoay đặt ở thang đo dòng, với các dòng điện chưa biết, nên chọn thang đo dòng lớn, đo dòng mắc nối tiếp vào mạch đo, dòng điện trong mạch sẽ chảy thẳng qua điện kế và làm lệch kim. Khi đo dòng chọn thang đo càng lớn, nội trở máy đo càng nhỏ, kết quả đo càng chính xác. Khi đo dòng, điều tối kỵ là đặt ở thang đo nhỏ mà đo dòng quá lớn sẽ làm hư máy. Ghi nhớ: Khi đo dòng lớn khoảng 1A hay 2A, bạn phải dùng lỗ cắm 2.5A.

10. Kính đọc kim

Bên dưới kim là mặt kính phản chiếu dùng để đọc kết quả chính xác. Khi đọc kết quả, vị trí nhìn kim của bạn phải sao cho chỉ thấy một kim, nếu nhìn vào bạn thấy 2 kim, một là kim thật hai là kim trên mặt kính, như vậy góc nhìn của bạn đã bị lệch, kết quả sẽ không chính xác.

11. Vị trí khóa kim

Khi bạn bỏ máy đo VOM trong túi và di chuyển, trước đó Bạn nhớ đặt nút xoay ở vị trí OFF. Ở vị trí này, hai chân của điện kế khung quay đã cho ngắn mạch, điều này sẽ tạo ra dòng điện nghịch mỗi khi máy đo bị lắc, dòng điện ứng này sẽ chống lại sự rung động của kim và giữ an toàn cho điện kế khung quay.

Nắm bắt được cách sử dụng đồng hồ vạn năng rất quan trọng

Như vậy trong bài viết này bạn đã tìm hiểu về các thông số và cách đọc thông số trên đồng hồ vạn năng. Hãy nhớ rằng đây là những kiến thức rất quan trọng nên bạn cần hiểu và thực hành nhiều để có thể nắm rõ cách sử dụng đồng hồ vạn năng nhé.

Trong bài viết tiếp theo, Trường dạy nghề Bách Khoa Hà Nội sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng đồng hồ vạn năng để đo thử và kiểm tra các linh kiện, các thiết bị điện tử, điện lạnh khác. Hãy theo dõi website của nhà trường để cập nhật nhanh nhất những kiến thức hữu ích về nghề điện tử, điện lạnh nhé!

Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào các bạn hãy để lại bình luận ở phía dưới bài viết hoặc thông qua các kênh khác của trường dưới đây nhé!

Website: https://www.truongdaynghebachkhoa.edu.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/daotaonghebachkhoa/

Youtube: http://youtube.com/c/TrườngDạyNghềBáchKhoaHàNội

Tiktok: https://www.tiktok.com/@tdnbk.edu.vn

Hotline: 0966391686 - 0969583686 - 0901699686

Địa chỉ: số 20, ngõ 295 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Gọi ngay: 0966391686 Gọi ngay: 0969583686 Gọi ngay: 0901699686
zalo