(Tiền phong online) Ra trường, nhiều cử nhân thất nghiệp đành giấu bằng tốt nghiệp, tìm cách để làm công trong các khu công nghiệp. PV Tiền Phong cũng đã giấu bằng cử nhân, nhập vai làm công nhân tại một số nhà máy lớn ở phía Bắc.
Để trúng tuyển làm công nhân, cử nhân phải cạnh tranh với lao động phổ thông. Tuy nhiên, ở nơi mà cử nhân không được coi trọng, cuộc cạnh tranh rất cam go và phần thua chắc chắn nghiêng về những người tốt nghiệp đại học nếu hé lộ thân phận thật.
“Có bằng cử nhân cũng là tội”
Cầm 4 bộ hồ sơ, PV Tiền Phong nhập vai một cô gái tốt nghiệp cấp 3, mấy năm tìm việc không thành. Địa chỉ đầu tiên tôi đến là KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Khu vực thông báo tuyển dụng có cả trăm người đứng dưới cái nắng chói chang. Những ánh mắt chăm chú dõi theo từng dòng chữ thông báo tuyển với mức lương 4,5 – 7 triệu đồng/tháng. Tôi bắt chuyện với 30 người tới tìm việc trên tay có bộ hồ sơ ghi năm sinh 1991 và 1992 mới biết họ đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Đặc biệt, thông báo tuyển công nhân của các công ty đều nêu rõ không tuyển lao động có trình độ đại học, cao đẳng, chỉ tuyển lao động tốt nghiệp THPT. Dù chỉ ghi tốt nghiệp THPT trong hồ sơ, nhưng để không tuyển nhầm cử nhân của các Cty sử dụng nhiều chiêu nhằm sàng lọc những ứng viên này.
Trước khi đi dự tuyển, tôi đã sống cùng công nhân trong khu ký túc xá để lấy kinh nghiệm. Các cử nhân đi trước hiện đang làm công nhân cho tôi biết: Khi phỏng vấn, giám khảo hỏi bất cứ điều gì liên quan bằng cấp đều phải coi như không biết, không có, chỉ tốt nghiệp THPT.
Chị Phạm Thị Tình (cử nhân Kế toán, Đại học Thành Đô, Hà Nội) từng trượt khi thi vào làm công nhân do lỡ khai có bằng đại học, nhớ lại: “Lúc trả lời phỏng vấn, giám khảo hỏi: “Em có đi học gì không?”. Tôi trả lời học kế toán. Thế là mình thi trượt”.
Nữ công nhân Phạm Thị Cảnh (Cty Canon, KCN Thăng Long) kể: Ứng viên vào phỏng vấn, tuyển trạch viên thông báo, công ty muốn tìm gấp nhân viên văn phòng, ưu tiên những người có bằng cao đẳng hoặc đại học, biết sử dụng máy vi tính.
Ai có bằng cấp thì bước sang bên để phỏng vấn riêng. Lập tức, gần nửa số người thi tuyển bước ra với hy vọng được làm văn phòng. Nhưng không ngờ, đấy chỉ là cách để loại những người có bằng cấp.
“Họ đánh trúng tâm lý những người có bằng cấp muốn làm việc nhàn nhã, lương cao. Kết quả, những người bước ra hôm đó đều trượt hết”, chị Cảnh nói.
Trường hợp chị Vũ Thị Vân, quê xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội (cử nhân Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) thi tuyển công nhân cùng đợt với tôi còn xót xa hơn. Với bằng phổ thông chị Vân đã được nhận thử việc tại Cty TNHH Denso Việt Nam (KCN Thăng Long), nhưng đang làm thì bị đuổi.
“Nhân viên nhân sự phát hiện sơ yếu lý lịch ghi trình độ đại học chị nộp qua mạng internet trước đó nên đuổi việc. Vì bằng đại học mà kế sinh nhai bị cắt đứt. Với công nhân, có bằng đại học cũng là tội”, chị Vân nói rồi chào chúng tôi rồi ra về.
Sau lần ấy, chị Vân gọi điện thoại dặn tôi: “Trong công ty em nhớ cẩn thận, đừng để lộ chuyện học đại học. Giờ xin việc khó lắm, vào được rồi thì cố làm ở đó em nhé”.
PV Tiền Phong tiếp tục nộp hồ sơ vào Cty Samsung (Phổ Yên, Thái Nguyên), ngay lối vào công ty treo biển thông báo tuyển dụng dài gần 5m: “Tuyển công nhân tốt nghiệp trung học phổ thông”. Chúng tôi tới phòng tuyển dụng của công ty lúc 15h30, hai chồng hồ sơ dày hơn 40cm đặt trên bàn, dãy ghế dành cho ứng viên không còn chỗ trống, nhiều người phải ngồi xuống sàn nhà. Cạnh tôi, chị Hà Thị Lệ (quê huyện Tân Sơn, Phú Thọ) tiết lộ, tốt nghiệp Cử nhân Lâm nghiệp (Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) nhưng không tìm được việc nên xin làm công nhân bằng tấm bằng tốt nghiệp cấp 3.
“Sinh viên tốt nghiệp cùng trường mình làm ở công ty này đông lắm, họ nói mình mới biết để xin vào đây”, Lệ nói.
Tại các khu công nghiệp khác ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh… những trường hợp tương tự không hiếm.
Thi tuyển công nhân
PV Tiền Phong nộp 4 bộ hồ sơ xin làm công nhân ở 4 công ty khác nhau, 2 bộ ghi trình độ tốt nghiệp THPT nhanh được gọi phỏng vấn, 2 hồ sơ ghi tốt nghiệp đại học bặt vô âm tín.
Ngày 3/7, tới phỏng vấn tại Cty TNHH Denso Việt Nam, trong giấy hẹn ghi rõ: “Không nhận hồ sơ trình độ cao đẳng, đại học nộp vào vị trí công nhân”. Trong số 300 ứng viên công nhân phổ thông có khoảng 1/3 có bằng nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, nhưng chỉ dùng bằng THPT. Khi tôi “tự khai” mình tốt nghiệp đại học, thất nghiệp tới đây làm việc họ mới dám chia sẻ thật về ngành học của mình.
Dưới nắng nóng chói chang, 300 con người căng thẳng, mệt mỏi đợi tới lượt phỏng vấn. Thay bằng nụ cười hớn hở, khuôn mặt tự tin của những ứng viên chỉ tốt nghiệp cấp 3, các cử nhân mang vẻ rụt rè khi nói chuyện với người lạ. Mồ hôi nhễ nhại, chị Nguyễn Thị Hạnh (quê Mê Linh, Hà Nội) cho biết, vốn là cử nhân Quản trị Nhân lực (Học viện Hành chính Hà Nội). Hạnh than thở: “Mình đi thi tuyển công chức không lo lắng bằng xin công nhân”.
Vòng phỏng vấn trực tiếp, những ứng viên có học bạ THPT “đẹp”, nhiều điểm cao sẽ bị hỏi: “Bạn có học nghề gì không, sao bạn không học cao đẳng hay đại học?”. Trình độ cao nhất của bạn là gì”… Nhiều ứng viên buột miệng trả lời trình độ cử nhân sẽ lập tức bị loại.
12 rưỡi trưa, tôi vào phòng chờ phỏng vấn. Trong lòng đầy lo lắng bởi một nửa cử nhân tôi làm quen trong buổi sáng đã không “qua mặt” được nhà tuyển dụng. Khi trả lời phỏng vấn, tôi phải luôn tâm niệm, không được nhớ và nhắc đến việc đã học đại học.
Người tuyển dụng hỏi “Học lực cấp 3 của em tốt, sao không học đại học hay cao đẳng, từng làm ở công ty nào chưa, đã được dao tao nghe gì chưa…?”. Với câu trả lời: “Chưa đi làm ở đâu, do gia đình khó khăn nên không học tiếp lên đại học”, tôi được nhận làm công nhân.
Qua vòng phỏng vấn, có 150/300 ứng viên đủ tiêu chuẩn tiếp tục được khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (Tây Hồ, Hà Nội). Qua 3 vòng kiểm tra, số lượng ứng viên được nhận chỉ còn hơn 90 người, số bị loại chủ yếu do mắt cận, tim đập nhanh, sức khỏe kém… Qua những lần trò chuyện, có tới 50% trong số đó tốt nghiệp đại học, cao đẳng.